Tư vấn pháp luật 365 Hướng dẫn về Hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên hợp danh
Quảng cáo trái
Quảng cáo phải

Hướng dẫn về Hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên hợp danh

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, công ty tôi là công ty hợp danh, hiện nay chúng tôi có sự thay đổi về thành viên công ty. Vậy công ty tôi phải chuẩn bị hồ sơ như thế nào để thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên hợp danh. Kính mong Quý luật sư tư vấn giúp tôi.

Hướng dẫn về Hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên hợp danh

Doanh nghiệp xin chân thành cảm ơn!

(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Tổng đài tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw).

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho Tổng đài tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw. Về thắc mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn qua bài viết dưới đây:

1. Công ty hợp danh là gì?
Theo quy định tại Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020, Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Có thể thấy, Công ty hợp danh là một loại hình công ty đối nhân, được thành lập dựa trên cơ sở tin cậy, tín nhiệm nhau giữa các thành viên. Với đặc trưng đó, số lượng thành viên trong công ty hợp danh thường rất ít nhưng luôn phải đảm bảo số lượng tối thiểu hai thành viên là thành viên hợp danh. Do đó, khi thành lập doanh nghiệp với loại hình này, người thành lập công ty cần nắm được quy định của pháp luật về thay đổi thành viên hợp danh.

2. Công ty hợp danh thay đổi thành viên khi nào?

Có rất nhiều trường hợp công ty hợp danh phải làm thủ tục thay đổi thành viên hợp danh. Đó là các trường hợp thay đổi thành viên hợp danh do tự nguyện hoặc vì các lý do khách quan khác không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, quyền hạn của mình trong công ty hợp danh hay tiếp nhận thành viên mới.

2.1 Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh
Việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh được quy định tại Điều 185 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cụ thể như sau:

Thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp sau đây:

– Tự nguyện rút vốn khỏi công ty;

– Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

– Bị khai trừ khỏi công ty;

– Chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật;

– Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
Thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Trường hợp này, thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất là 06 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.

2.2 Tiếp nhận thành viên mới
– Công ty có thể tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn; việc tiếp nhận thành viên mới của công ty phải được Hội đồng thành viên chấp thuận.

– Thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn phải nộp đủ số vốn cam kết góp vào công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được chấp thuận, trừ trường hợp Hội đồng thành viên quyết định thời hạn khác.

– Thành viên hợp danh mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, trừ trường hợp thành viên đó và các thành viên còn lại có thỏa thuận khác.

3. Hướng dẫn về Hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên hợp danh

Theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 01/2021/NĐ- CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp thì đăng ký thay đổi thành viên hợp danh được quy định như sau:

Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, tiếp nhận thành viên hợp danh mới theo quy định tại Điều 185 và Điều 186 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty hợp danh gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính.

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký (Phụ lục II-1 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
  • Danh sách thành viên công ty hợp danh quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2020, trong đó không bao gồm nội dung kê khai về thành viên góp vốn;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên hợp danh mới.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo kết quả xử lý hồ sơ;

+ Nếu hồ sơ hợp lệ thì phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh, đồng thời cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

+ Nếu hồ sơ không hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ và các bạn nộp lại hồ sơ sửa đổi, bổ sung, sau đó chờ kết quả như ban đầu.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Trên đây là bài viết tư vấn về thắc mắc của Quý khách về Hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên hợp danh. Nếu Quý khách còn có vướng mắc hay muốn biết thêm thông tin về các thủ tục hành chính như thành lập doanh nghiệp, thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp,… xin vui lòng liên hệ với Tổng đài Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw, số hotline 1900. Để sử dụng dịch vụ, Quý khách vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

xem thêm:


Bài viết liên quan cùng chủ đề: