Hỏi: Chào Luật sư, ông bà ngoại tôi mất không để lại di chúc có để lại một mảnh đất. Bác tôi đã tự ý tiến hành sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trước đó đứng tên ông ngoại), nay những người con còn lại của ông bà tôi muốn khiếu nại Quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết trình tự thủ tục khiếu nại được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.
Trả lời:
Chào bạn,
Theo điều 204 Văn bản hợp nhất 21/VBHN-VPQH 2018 Luật Đất đai, thì “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai”. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Cụ thể, căn cứ vào điều 7 Luật khiếu nại 2011, trình tự, thủ tục thực hiện khiếu nại được tiến hành như sau:
1. Trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định hành chính về đất đai lần đầu
Bước 1: Gửi đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại
Nội dung đơn khiếu nại bao gồm:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại
- Tên đơn khiếu nại (Đơn khiếu nại giải quyết tranh chấp đất đai)
- Tên người có thẩm quyền giải quyết hoặc cơ quan giải quyết
- Họ tên, nơi cư trú, số điện thoại của người khiếu nại
- Đối tượng bị khiếu nại. Nếu là quyết định hành chính thì ghi rõ cơ quan ra quyết định, ngày tháng năm ra quyết định, số quyết định.
- Nội dung vụ việc (trình bày rõ ràng, ngắn gọn, trung thực về vụ việc, quyền và lợi ích bị xâm phạm)
- Cam kết của người khiếu nại.
- Tài liệu, chứng cứ kèm theo (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …)
Bước 2. Thụ lý đơn
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết;
– Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.
Bước 3. Xác minh nội dung khiếu nại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau:
– Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
– Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4. Tổ chức đối thoại
– Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.
– Việc đối thoại phải được lập thành biên bản.
– Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Bước 5. Ra quyết định giải quyết khiếu nại
Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại và gửi kết quả giải quyết khiếu nại trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại
2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai lần hai
Bước 1. Gửi và tiếp nhận đơn
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Hồ sơ khiếu nại lần hai gồm:
- Đơn khiếu nại;
- Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;
- Các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
Bước 2. Thụ lý đơn
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết mà việc khiếu nại lần hai thì phải thụ lý giải quyết.
– Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.
Bước 3. Xác minh nội dung khiếu nại
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4. Tổ chức đối thoại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại.
Bước 5. Ra quyết định giải quyết khiếu nại
Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại và gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại.
Khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính (Theo khoản 2 Điều 33 và Điều 42 Luật Khiếu nại 2011).
Như vậy, những người con còn lại của ông bà bạn có thể tiến hành khiếu nại nếu cho rằng quyết định của Ủy ban nhân dân xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đơn khiếu nại sẽ được gửi đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi ra quyết định.
Trên đây là những ý kiến tư vấn của PHAMLAW về việc khiếu nại quyền sử dụng đất. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với tổng đài tư vấn thủ tục hành chính hoặc bộ phận tư vấn pháp lý chuyên sâu 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn dịch vụ, Quý khách hàng vui lòng kết nói tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Dịch vụ của Phamlaw