Tư vấn pháp luật 365 Làm việc tại nhiều công ty thì đóng bảo hiểm như thế nào?
Quảng cáo trái
Quảng cáo phải

Làm việc tại nhiều công ty thì đóng bảo hiểm như thế nào?

Làm việc tại nhiều công ty thì đóng bảo hiểm như thế nào?

Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email Maianh…@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:

Tôi có ký hợp đồng lao động với 2 công ty vào đầu tháng 08/2022. Tuy nhiên, tôi chưa hiểu rõ về cách thức đóng bảo hiểm BHXH, BHTN, BHYT tôi sẽ đóng cho công ty nào? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật lao động 2019

Văn bản hợp nhất 28/2020/VBHN-VPQH Luật Bảo hiểm y tế

Văn bản hợp nhất 19/2019/VBHN-VPQH Luật Bảo hiểm xã hội

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Người lao động có được giao kết nhiều hợp đồng lao động không?

Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc ký hợp đồng lao động nhiều nơi với nhiều người sử dụng lao động như sau:

Thứ nhất, Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

Thứ hai, Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Như vậy, pháp luật lao động hiện hành không cấm người lao động làm cùng lúc cho nhiều công ty. Tuy nhiên, người lao động cần cân nhắc và đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng lao động với từng công ty.

2. Làm việc tại nhiều công ty thì đóng BHXH ở đâu?

Khi người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động. Cụ thể:

Thứ nhất, Về việc tham gia bảo hiểm y tế

Theo khoản 2 Điều 13 Văn bản hợp nhất 28/2020/VBHN-VPQH Luật Bảo hiểm y tế, trường hợp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

Thứ hai, Về tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013, trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ ba, Về tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Thứ tư, Đối với quỹ hưu trí, tử tuất:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Văn bản hợp nhất 19/2019/VBHN-VPQH Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.

Như vậy, nếu bạn làm việc cùng lúc tại nhiều công ty thì đóng bảo hiểm như sau:

– Bảo hiểm xã hội (quỹ hưu trí, tử tuất): đóng tại công ty ký hợp đồng lao động đầu tiên;

– Bảo hiểm xã hội (quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp): đóng ở tất cả các công ty đã ký hợp đồng lao động (tuy nhiên người lao động không cần phải đóng vào quỹ này mà người sử dụng lao động sẽ đóng);

– Bảo hiểm thất nghiệp: đóng tại công ty ký hợp đồng lao động đầu tiên;

– Bảo hiểm y tế: đóng tại công ty ký hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

3. Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng lao động với nhiều công ty

Khi ký kết và thực hiện cùng lúc 2 hợp đồng lao động với hai công ty khác nhau, người lao động và người sử dụng lao động cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, người lao động cần chủ động tìm hiểu kỹ về luật lao động hiện hành

Để tránh mắc phải sai sót trong quá trình ký kết hợp đồng và đảm bảo quyền lợi của mình tốt hơn, bạn nên cập nhật thông tin về luật lao động hiện hành để nắm rõ được quyền lợi cũng nghĩa vụ của mình đối với công ty khi bạn ký kết hợp đồng lao động mới.

Thứ hai, Xác định rõ thông tin của doanh nghiệp

Trước khi chấp nhận vào làm việc và ký kết hợp đồng, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin doanh nghiệp như: Mã số thuế, thời gian hoạt động, lĩnh vực hoạt động, ngành nghề kinh doanh. Nếu công ty không tồn tại thì bạn tuyệt đối không được ký kết hợp đồng lao động.

Thứ ba, Đọc kỹ tất cả điều khoản trong hợp đồng

Bạn hãy đọc kỹ tất cả các điều khoản ghi trong hợp đồng, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của bạn cũng như người doanh nghiệp. Nếu có điều khoản nào chưa rõ ràng thì bạn cần hỏi và yêu cầu chỉnh sửa hợp đồng trước khi ký. Ngoài ra, bạn cần quan tâm đến các điều khoản về chính sách phúc lợi, bảo hiểm xã hội, ngày nghỉ phép, quy định chấm dứt hợp đồng làm việc cũng như quyền lợi của mình khi tham gia ký kết hợp đồng lao động.

Thứ tư, Về vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/2017/QĐ-BHXH quy định: “Người lao động đồng thời có từ 02 hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ”

Theo đó, khi bạn ký hợp đồng lao động với hai công ty thì bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sẽ đóng theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên; bảo hiểm y tế sẽ phải đóng theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì đóng theo từng hợp đồng lao động.

Thứ năm, Về thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, tiền lương, tiền công của bạn vẫn tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, nếu có người phụ thuộc, bạn chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân và cho người phụ thuộc tại một nơi làm việc, những nơi còn lại không được tính giảm trừ.

Trên đây là quy định của pháp luật về việc người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động và tham gia các loại hình bảo hiểm. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.


Bài viết liên quan cùng chủ đề: