Người lao động khi nghỉ việc cần lấy lại giấy tờ gì?
Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email Thangpham…@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:
Tôi đã nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty X và nhận tiền lương đầy đủ từ công ty vào đầu tháng 08/2022. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa biết mình cần lấy lại những giấy tờ gì khi chấm dứt hợp đồng lao động? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.
Cảm ơn Luật sư!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Bộ luật lao động 2019
Nghị định 12/2022/NĐ-CP
Văn bản hợp nhất 19/2019/VBHN-VPQH Luật Bảo hiểm xã hội
NỘI DUNG TƯ VẤN
Để đảm bảo quyền lợi của mình, người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động có thể đề nghị đơn vị sử dụng lao động nhanh chóng thực hiện thủ tục chốt sổ BHXH, trả lại sổ, giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động và các giấy tờ đã giữ của người lao động.
Thứ nhất, người lao động đề nghị đơn vị sử dụng lao động nhanh chóng thực hiện thủ tục chốt sổ BHXH và trả lại sổ BHXH.
Theo Điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau: “Người sử dụng lao động phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động”
Đồng thời, theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Văn bản hợp nhất 19/2019/VBHN-VPQH Luật Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Bởi vậy, khi nghỉ việc, người lao động cần lấy lại sổ BHXH để có thể hoàn thiện đủ giấy tờ làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và tiền bảo hiểm xã hội 1 lần sau này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trước khi nhận sổ BHXH cần xác nhận lại xem doanh nghiệp đã chốt thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan BHXH hay chưa. Nếu sổ BHXH chưa chốt, cơ quan BHXH sẽ không giải quyết chế độ cho người lao động.
Trong trường hợp công ty cố tình không chốt sổ cho người lao động, công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:
- Phạt từ 01 – 02 triệu đồng: Vi phạm từ 01 – 10 người lao động;
- Phạt từ 02 – 05 triệu đồng: Vi phạm từ 11 – 50 người lao động;
- Phạt từ 05 – 10 triệu đồng: Vi phạm từ 51 – 100 người lao động;
- Phạt từ 10 – 15 triệu đồng: Vi phạm từ 101 – 300 người lao động;
- Phạt từ 15 – 20 triệu đồng: Vi phạm từ 300 người lao động trở lên.
Đặc biệt, ngay cả khi đã chốt sổ BHXH theo quy định nhưng cố tình không trả lại cho người lao động, người sử dụng lao động cũng sẽ bị phạt. Theo khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, với mỗi người lao động không được trả sổ BHXH sau khi nghỉ việc, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 01 – 04 triệu đồng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng. Vì vậy, nếu doanh nghiệp cố tình không chốt và trả lại sổ BHXH thì người lao động hoàn toàn có thể tố cáo hành vi vi phạm này đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Thứ hai, Giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động
Đây là giấy tờ quan trọng chứng minh cho việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nếu không có giấy tờ này, người lao động sẽ không thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ làm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP, giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động có thể là một trong các loại giấy tờ sau đây:
– Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
– Quyết định thôi việc.
– Quyết định sa thải.
– Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
– Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.
– Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa người lao động và doanh nghiệp.
– Giấy xác nhận của doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng lao động với các thông tin về người lao động, loại hợp đồng lao động đã ký, lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động…
Do vậy, khi tiến hành thanh lý hợp đồng lao động với phía doanh nghiệp, người lao động cần yêu cầu họ cung cấp thêm giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng. Nếu doanh nghiệp cố tình không chịu cung cấp giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động, gây ảnh hưởng đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động có thể tiến hành thủ tục khiếu nại theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Thứ ba, Người sử dụng lao động phải trả lại bản chính các loại giấy tờ nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động
Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại giấy tờ cần lấy lại khi chấm dứt hợp đồng lao động. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.