Hỏi: Thưa luật sư: Cuộc sống hiện tại của tôi đang gặp nhiều trắc trở, con tôi mới được hơn 9 tháng, đối sống chung vợ chồng tôi không duy trì và tiếp tục nên tôi đơn phương ly hôn (tôi đã nhiều lần yêu cầu anh ký vào đơn ly hôn nhưng anh không ký và thách thức tôi ra tòa án), trong thời gian đợi Tòa xét xử thì chúng tôi sống ly thân (được hơn 5 tháng). Hiện tại con tôi đang ở với chồng và gia đình nhà chồng. Chồng tôi chỉ cho tôi được thăm con chứ không cho tôi đem con về nuôi nấng chăm sóc cháu khiến tôi rất đau xót khổ tâm. Cho tôi hỏi, trong thời gian chờ Tòa xét xử, tôi có thể nhờ Tòa can thiệp việc nuôi cháu hay không vì cháu còn đang rất nhỏ. Và khi Tòa giải quyết ly hôn thì tôi có được quyền nuôi con không?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Chào bạn, rất thông cảm và xin được chia sẻ những biến cố này đối với bạn và gia đình.
Theo khoản 1 Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên. Như vậy, việc chồng của bạn không cho bạn được ở bên chăm sóc, nuôi dưỡng con của bạn là vi phạm quy định của pháp luật.
Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn và con của bạn, bạn nên làm đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc chồng phải tạm thời đưa con cho bạn trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trong khi chờ đợi tòa án tiến hành giải quyết vụ việc (căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 99 Bộ luật tố tụng dân sự 2004).
Về quyền nuôi con sau khi ly hôn: trong trường hợp con bạn dưới 36 tháng tuổi thì Tòa án sẽ giao cho bạn trực tiếp nuôi (theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Trong trường hợp con bạn từ 36 tháng tuổi trở nên, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Khi đó, bạn sẽ phải chứng minh với Tòa án mình có đủ khả năng bảo đảm quyền lợi của con về mọi mặt.
Trên đây là câu trả lời của Phamlaw đối với trường hợp của bạn, nếu còn băn khoăn hay vướng mắc bạn có thể kết nối trực tiếp đến tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu của Phamlaw để được hỗ trợ, chúng tôi luôn sẵn sàng.
—————
Phòng tư vấn pháp luật chuyên sâu Công ty luật Phamlaw