Một vụ việc gần đây được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm, đó là việc hai loại hàng hóa nước trà xanh hương chanh C2 và Rồng đỏ hương dâu do Công ty TNHH URC Hà Nội sản xuất có hàm lượng chì vượt ngưỡng quy định. Vụ việc này khiến dư luận nói chung và người tiêu dùng nói riêng rất hoang mang.
Theo thông tin từ các cơ quan báo chí, Công ty TNHH URC đã bị Bộ y tế xử phạt 5,8 tỷ đồng do các vi phạm trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hai loại đồ uống là nước trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu do có hàm lượng chì cao quá mức công bố.
Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay, Công ty URC đã đưa vào thị trường tiêu thụ tổng giá trị hai mặt hàng này là gần 3,9 tỷ đồng không thu hồi được. Đương nhiên điều này tương đương với việc không thể biết được dã có bao nhiêu chai C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì đã được sử dụng và bao nhiêu chai vẫn còn được lưu thông trên thị trường.
Theo lãnh đạo Bộ y tế, con số 5,8 tỷ đồng là quyết định xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trong ngành y tế từ trước đến này. Tuy nhiên có rất nhiều nhận định cho rằng con số 5,8 tỷ đồng này là quá ít so với quy mô doanh số hàng hóa nhiễm chì đã được lưu thông trên thị trường và khả năng gây thiệt hại về tài sản và sức khỏe của người tiêu dùng.
Trên quan điểm của các nhà làm luật, con số 5,8 tỷ được cho là “không thấm vào đâu”. Việc xử phạt hành chính với mức phạt như vậy là quá nhẹ, không có sức răn đe. Số lợi nhuận mà Công ty URC kiếm được từ lượng hàng hóa vi phạm có giá trị gấp nhiều lần so với số tiền bị phạt.
Một số nhà làm luật khác có quan điểm phải xử phạt bằng biện pháp mạnh hơn. Quan điểm này cho rằng việc xử phạt hành chính là chưa đủ, bởi vì phạt tiền chỉ gây tổn thất về mặt kinh tế chứ không có sức giáo dục, răn đe người vi phạm. Vì vậy, hành vi này cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo Bộ luật hình sự hiện hành thì hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ bị xử lý về mặt hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng con người. Trong khi đó, yếu tố “gây hậu quả nghiêm trọng” chỉ được xác định bằng việc “gây thiệt hại cho tính mạng” hoặc “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng”. Bên cạnh đó, trên thực tế thì đa số các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm đều ít khi gây ra hậu quả chết người ngay lập tức nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Chính vì thế, các nhà làm luật đưa ra quan điểm này cho rằng đây là một hạn chế của pháp luật, cần có sự sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hình sự về vấn đề này để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.