Thủ tục giải thể doanh nghiệp có vốn nước ngoài
Thưa Luật sư!
Tôi thành lập công ty TNHH 2 thành viên có 100% vốn đầu tư nước ngoài từ tháng 05/2021. Hiện tại, do việc kinh doanh công ty thua lỗ nên tôi quyết định giải thể công ty. Tuy nhiên, tôi vẫn hiểu rõ về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp có vốn nước ngoài sẽ được thực hiện như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.
Cảm ơn Luật sư!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật Doanh nghiệp 2020
Nghị định 01/2021/NĐ-CP
Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT
NỘI DUNG TƯ VẤN
Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp có vốn nước ngoài được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Chấm dứt dự án đầu tư
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc tài liệu tương đương ngoài các việc thực hiện các thủ tục giải thể doanh nghiệp thì nhà đầu tư thông báo và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư kèm theo bản sao tài liệu ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư thông báo việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư cho các cơ quan liên quan.
Bước 2: Doanh nghiệp thông qua nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp
Nghị quyết, quyết định của doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu như sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
- Lý do giải thể;
- Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
- Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
- Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Bước 3: Công bố quyết định giải thể doanh nghiệp
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua Quyết định giải thể, doanh nghiệp phải gửi Quyết định đến các cơ quan sau:
- Gửi Thông báo, Quyết định và bản sao hợp lệ Biên bản họp của Hội đồng thành viên đến Phòng Đăng ký kinh doanh để làm thủ tục công bố quyết định giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Gửi Quyết định giải thể và Biên bản họp đến cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp;
- Niêm yết Quyết định giải thể tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có) của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo Quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan
Bước 4: Thanh lý tài sản công ty
Hội đồng thành viên trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.
Bước 5: Tiến hành thủ tục đóng mã số thuế Công ty
Tùy thuộc vào thực tế hồ sơ kế toán của doanh nghiệp mà thủ tục đóng cửa mã số thuế sẽ kéo dài từ 06 tháng trở lên (không bao gồm thủ tục xử phạt, vi phạm, chậm nộp phát sinh); Trong quá trình thực hiện thủ tục quyết toán thuế, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục giảm lao động và giải quyết các chế độ có liên quan cho người lao động trong thời hạn quy định tại Bộ Luật lao động.
Doanh nghiệp gửi công văn tới cơ quan thuế (kèm bản sao công chứng Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận Đăng ký thuế) để xin được quyết toán thuế và đóng mã số thuế.
Hồ sơ đóng mã số thuế bao gồm:
– Công văn xin đóng mã số thuế của doanh nghiệp
– Biên bản xác nhận việc hoàn trả hóa đơn
– Báo cáo tài chính có xác nhận của kiểm toán
– Sổ sách chứng từ kế toán kèm theo
– Quyết định giải thể của Chủ tịch Hội đồng thành viên
Bước 6: Chuẩn bị hồ sơ giải thể
Theo quy định tại Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020 thì hồ sơ giải thể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm các loại giấy tờ sau:
- Quyết định giải thể doanh nghiệp, nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 Điều 207 Luật doanh nghiệp 2020;
- Biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc giải thể doanh nghiệp.
- Thông báo về giải thể doanh nghiệp gửi đến các chủ nợ và phương án giải quyết nợ;
- Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);
- Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có);
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 7: Gửi hồ sơ giải thể đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, nghị quyết, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết, quyết định giải thể phải được đăng trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan. Phương án giải quyết nợ phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.
Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục giải thể doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.