Tư vấn pháp luật 365 Thành viên công ty hợp danh có được thành lập DNTN không?
Quảng cáo trái
Quảng cáo phải

Thành viên công ty hợp danh có được thành lập DNTN không?

Thành viên công ty hợp danh có được thành lập doanh nghiệp tư nhân không?

Thưa Luật sư!

Tôi là thành viên hợp danh của công ty X. Hiện tại, tôi có mong muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân vào tháng 09/2022. Tuy nhiên tôi không biết tôi có được thành lập doanh nghiệp tư nhân khi đang là thành viên hợp danh của công ty X hay không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Nghị định 01/2021/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo Pháp luật của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của Pháp luật. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp, thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Thành viên công ty hợp danh có được thành lập doanh nghiệp tư nhân không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 thì mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 về hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh thì:

Thứ nhất, Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

Thứ hai, Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Thứ ba, Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

Thành viên công ty hợp danh có được thành lập DNTN không?

Thành viên công ty hợp danh có được thành lập DNTN không?

Đặc điểm chung của chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh là đều phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ công ty. Vì vậy, nếu vừa đảm nhận vai trò làm chủ doanh nghiệp tư nhân vừa là thành viên hợp danh ở một công ty khác có thể sẽ gặp phải khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ ở hai doanh nghiệp.

Theo đó thành viên hợp danh sẽ không được làm chủ một doanh nghiệp tư nhân khác nếu không được thành viên hợp danh khác đồng ý. Vì vậy, nếu bạn muốn trở thành chủ của một doanh nghiệp tư nhân thì phải thuyết phục các thành viên hợp danh khác trong công ty đồng ý. Hạn chế này bắt nguồn từ quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh trong công ty hợp danh. Bản chất công ty hợp danh là một công ty đối nhân, thường quan hệ giữa các thành viên hợp danh trong công ty rất khăng khít, hơn thế nữa, quyền và nghĩa vụ của thành viên này sẽ ảnh hướng lớn đến quyền và nghĩa vụ của thành viên khác. Tất cả các thành viên hợp danh đều phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ của công ty chứ không phải trong phạm vi số vốn góp. Trong khi đó, căn cứ Điều 188, Luật doanh nghiệp 2020, chủ doanh nghiệp tư nhân cũng phải chịu trách nhiệm vô hạn với các nghĩa vụ của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình.

Nếu như trong trường hợp công ty hợp danh phá sản, các thành viên hợp danh sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với nghĩa vụ của công ty. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tư nhân phá sản, thành viên hợp danh của công ty hợp danh mang toàn bộ tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ tài sản cho doanh nghiệp tư nhân mà họ làm chủ, thì sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ của các thành viên khác trong công ty hợp danh.

Tuy nhiên, pháp luật luôn quy định tôn trọng quyền quyết định của các thành viên. Nếu các thành viên hợp danh khác cảm thấy quyền và nghĩa vụ của mình không bị đe dọa bởi một thành viên hợp danh của công ty thành lập doanh nghiệp tư nhân thì có thể đồng ý và phải chịu trách nhiệm với sự đồng ý của mình nếu trong trường hợp có rủi ro xảy ra. Như vậy, thành viên hợp danh vẫn có thể là chủ doanh nghiệp tư nhân nhưng phải nhận được sự đồng ý của các thành viên hợp danh còn lại.

3. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

Thành viên công ty hợp danh khi nhận được sự đồng ý của các thành viên còn lại về việc thành lập doanh nghiệp tư nhân thì thực hiện thủ tục theo các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

Theo quy định tại điều 21 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối doanh nghiệp tư nhân sẽ bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục I-1 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp)
  • Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của của chủ doanh nghiệp tư nhân: Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu;

Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai phương thức:

Nộp tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT (Phòng ĐKKD) tỉnh/ thành phố nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;

Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn.

Bước 3: Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng ĐKKD hoàn tất kết quả giải quyết và chuyển cho Bộ phận một cửa Phòng ĐKKD để trả kết quả.

Nếu quá thời hạn mà không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có quyền khiếu nại theo quy định (khoản 2, 3 Điều 33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

Bước 4: Nhận kết quả

Trường hợp hồ sơ hợp lệ và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp nhận kết quả trực tiếp tại Phòng ĐKKD hoặc nhận qua đường bưu chính (trong trường hợp uỷ quyền đăng ký doanh nghiệp cho đơn vị bưu chính công ích).

Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw đối với câu hỏi của bạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì chưa rõ ràng, có thể gây nhầm lẫn hoặc khiến bạn chưa hiểu hết vấn đề, Phamlaw rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.


Bài viết liên quan cùng chủ đề: