Quan hệ thế chấp tài sản theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015.
Câu hỏi: Xin Luật sư hãy cho tôi biết thế nào là thế chấp tài sản và các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến quan hệ thế chấp tài sản? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Về câu hỏi của bạn liên quan đến quan hệ thế chấp tài sản được quy định trong Bộ Luật dân sự 2015, chúng tôi xin được trả lời như sau:
– Về khái niệm quan hệ thế chấp: Cũng như quan hệ cầm cố, thế chấp tài sản được xem là biện pháp bảo đảm để các bên thực hiện giao dịch có cơ sở để cho vay một khoản tiền hay một lợi ích vật chất nhất định. Điều 317 Bộ Luật Dân sự năm 2015 xác định, thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp. VD: Việc anh A thế chấp ngôi nhà tại Ngân hàng trị giá 5 tỷ để vay khoản nợ tại Ngân hàng đó trị giá 3 tỷ đồng, anh A vẫn là người ở trên căn nhà nhưng vẫn có sự quản lý, giám sát của Ngân hàng để đảm bảo cho tài sản thế chấp không bị chủ sở hữu tài sản bán.
– Về tài sản thế chấp: Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.
– Về hiệu lực của quan hệ thế chấp tài sản: Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Quan hệ thế chấp tài sản chấm dứt trong những trường hợp sau đây: Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt; Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác. Tài sản thế chấp đã được xử lý. Theo thỏa thuận của các bên.
– Về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ thế chấp: Được thực hiện dựa trên cơ sở pháp luật quy định, từ đó hai bên thỏa thuận rõ về quyền và nghĩa vụ riêng của mình.
Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi dựa trên cơ sở các quy định của Pháp luật cũng như các quan hệ thực tế phát sinh. Nếu còn bất cứ vấn đề nào cần giải đáp, bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được giải đáp cụ thể và chính xác.
> Xem thêm:
- Quy định về bồi thường tài sản trên đất khi đã có thông báo thu hồi
- Thủ tục tách thửa đất hợp pháp
- thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai phù hợp?
- hòa giải tranh chấp đất đai hợp pháp