Câu hỏi: Xin chào Luật sư, gia đình tôi đang có một số chuyện muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp.
Bố mẹ tôi có 7 người con, 5 trai, 2 gái. 2 chị tôi đã lấy chồng thì không được chia đất, còn 3 anh lớn đã được bố mẹ cho đất ra ở riêng. Anh ba mới mất vì tai nạn giao thông, còn lại chị dâu và 1 cháu đã trên 18 tuổi. Tôi và anh thứ 6 ở với bố mẹ, bố tôi mất không để lại di chúc, đến khi tôi lấy vợ, mẹ muốn chia đôi thửa đất đang đứng tên bố cho tôi và anh thứ 6 nhưng vợ anh ba và con không đồng ý, không ký vào biên bản thỏa thuận. Vì vậy gia đình tôi không biết làm như thế nào. Nếu đến bước đường cùng, mẹ tôi có thể quyết định chia nửa đất cho tôi và anh thứ 6 không?
Gia đình tôi rất cảm ơn và mong Luật sư tư vấn giúp.
(Câu hỏi được biên tập lại từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn của Phamlaw)
Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Phamlaw.
Theo lời bạn thì bố bạn mất mà không để lại di chúc, do đó, tài sản mà ông để lại được phân chia dựa trên các quy định về thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp tất cả các thừa kế có thỏa thuận và đồng ý với cách thức phân chia di sản khác thì sẽ áp dụng thỏa thuận đó. Đối với trường hợp của bạn, Phamlaw xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Người thừa kế theo pháp luật được xác định theo điều 651 Bộ luật dân sự 2015, trong đó, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Căn cứ vào quy định trên, thì người thừa kế của bố bạn gồm: 7 anh em bạn và mẹ bạn.
Tuy nhiên, đối với người anh thứ 3 mới mất do tai nạn giao thông, quyền thừa kế được xác định như sau: tại thời điểm bố bạn chết, anh ba vẫn sống, do đó anh có quyền hưởng di sản của ông. Đến khi tiến hành chia di sản, anh ba chết nên không thể nhận phần di sản dó nữa. Phần di sản này sẽ được chia cho các đồng thừa kế theo pháp luật của anh ba, nghĩa là vợ và con, được nhận phần di sản anh ba được hưởng từ bố.
Mặt khác, do bạn không nói rõ là bố bạn mất năm nào, nên nếu thời hiệu về thừa kế chưa hết, thì một trong những người thừa kế nêu trên có quyền khởi hiện về chia thừa kế. Nếu đã hết thì không còn quyền khởi kiện chia thừa kế, nhưng có thể khởi kiện chia tài sản chung theo quy định tại điểm 2.4 điều 2 mục I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình:
“Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:…”
Căn cứ vào các quy định trên, thì trường hợp của bạn có các hướng giải quyết như sau:
- Trường hợp 1: Thời hiệu khởi kiện chia thừa kế vẫn còn
Khi đó, những người thừa kế có quyền yêu cầu Tòa án tiến hành phân chia di sản mà bố bạn để lại. Kể cả khi những thưa kế khác đồng ý phân chia di sản theo thỏa thuận, thì vợ con người anh thứ ba vẫn có quyền yêu cầu chia thừa kế, với tư cách là người được hưởng di sản của anh thứ 3.
- Trường hợp 2: Hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế
Như đã trình bày ở điều luật trên, thì khi hết thời hiệu khởi kiện, di sản không được chia trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế, và họ đều có quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản chung theo quy định của luật.
Đồng thời, trong bất kỳ trường hợp nào thì mẹ bạn cũng không có quyền chia thửa đất đang đứng tên bố bạn.
Trên đây là những quan điểm của PHAMLAW về giải quyết tranh chấp khi thỏa thuận phân chia di sản. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn các dịch vụ về tách, nhập thửa; xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…, Quý khách hàng vui lòng kết nói tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ./
> xem thêm:
- sang tên sổ đỏ mất bao nhiêu tiền
- Các loại thuế phải nộp khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- Thủ tục sang tên sổ đỏ