Tư vấn pháp luật 365 Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng 13?
Quảng cáo trái
Quảng cáo phải

Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng 13?

Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng 13?

Thưa Luật sư!

Theo như tôi được biết thì thông thường người lao động làm đủ 12 tháng (bao gồm cả thời gian thử việc) thì sẽ được hưởng tháng lương thứ 13. Tuy nhiên tôi chưa hiểu rõ về tháng lương thứ 13 được quy định như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành? Công ty có bắt buộc phải trả lương tháng thứ 13 cho người lao động không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật lao động 2019

Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Lương tháng 13 là gì?

Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, lương tháng 13 (tiền thưởng tết) sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Vậy nên, lương tháng 13 không phải là khoản tiền bắt buộc mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động.

Hay nói cách khác, tiền lương tháng 13 là một khoản tiền thưởng, được ghi ở một trong những văn bản sau của doanh nghiệp: Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế tài chính, quy chế thưởng. Tiền lương tháng 13 phải phù hợp với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Sau khi trích lương không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng 13?

Hiện nay, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định việc doanh nghiệp phải bắt buộc trả lương tháng 13 cho người lao động. Việc trả lương tháng 13 cho người lao động phụ thuộc vào thỏa thuận của người lao động và doanh nghiệp. Sự thỏa thuận này được ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể hoặc hợp đồng lao động. Trong trường hợp nếu không có thỏa thuận, việc trả lương tháng 13 thì việc trả lương tháng 13 sẽ phụ thuộc vào quyết định của chủ doanh nghiệp, dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh trong năm của doanh nghiệp và kết quả làm việc, sự nỗ lực, đóng góp của người lao động.

Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng 13?

Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng 13?

Lương tháng 13 mang bản chất là một khoản tiền thưởng theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019. Luật quy định thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp trong mọi trường hợp. Khoản thưởng được đưa ra căn cứ theo kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động , vì vậy người lao động sẽ được thưởng tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, theo quy chế nội bộ doanh nghiệp về thưởng Tết, thỏa ước lao động tập thể (thường nó phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của NLĐ). Doanh nghiệp cũng có quyền không thưởng tết cho người lao động nếu kinh doanh không có lãi hoặc người lao động không hoàn thành công việc được giao.

Thông thường, lương tháng 13 được áp dụng đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp từ đủ một tháng trở lên. Mỗi một doanh nghiệp sẽ có cách tính lương tháng 13 riêng.

Dưới đây là hai cách tính được sử dụng phổ biến nhất trong các doanh nghiệp cụ thể như sau:

  • Làm đủ 12 tháng (bao gồm cả thời gian thử việc) thì sẽ được hưởng 1 tháng lương.
  • Nếu không làm đủ 12 tháng (hoặc có tăng/giảm lương trong thời gian làm việc), thì sẽ tính theo tỉ lệ tương đương.

3. Lương tháng 13 có tính đóng BHXH?

Căn cứ theo quy định định tại Khoản 26, Điều 1, Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH (Sửa đổi Khoản 2 và Khoản 3, Điều 30, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015) các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc và không tính đóng BHXH bắt buộc từ 01/01/2021 cụ thể như sau:

(1) Mức lương theo công việc hoặc chức danh

Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93, Bộ luật Lao động; Trường hợp người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;

(2) Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên

Các khoản phụ cấp lương là các khoản để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

(3) Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên

Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên phải xác định mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Bên cạnh đó, tại Công văn 560/LĐTBXH-BHXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội  tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động không bao gồm tiền lương tháng thứ 13 và tiền thưởng theo đánh giá kết quả công việc hàng năm.

Có thể khẳng định, khoản lương tháng thứ 13 và thưởng Tết không thuộc thu nhập đóng BHXH, nhưng hai khoản tiền này lại thuộc khoản tiền phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành nêu rõ, tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công là thu nhập chịu thuế. Do đó người lao động hưởng lương tháng 13 sẽ phải trích một phần để đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về trường hợp doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng 13 hay không? Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.


Bài viết liên quan cùng chủ đề: