Chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn
Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ bạn có email Thanh…@gmail.com với nội dung như sau:
Tôi và người yêu vừa tốt nghiệp đại học và sống chung như vợ chồng từ tháng 05/2022. Tuy nhiên chúng tôi không đăng ký kết hôn và cũng không có ý định có con với nhau. Vậy việc chúng tôi chung sống như vợ chồng có trái pháp luật không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.
Cảm ơn Luật sư!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật hôn nhân và gia đình 2014
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Thế nào là chung sống như vợ chồng?
Căn cứ tại Khoản 7, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng”.
Theo đó, chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức sống chung, xem nhau như vợ chồng và không đăng ký kết hôn. Họ chung sống với nhau một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.
2. Chung sống như vợ chồng có vi phạm pháp luật không?
Hiện nay, pháp luật không có bất kỳ quy định nào nghiêm cấm nam, nữ chung sống chung như vợ chồng, nên việc hai bạn vẫn còn đang độc thân sống chung với nhau như vợ chồng là không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nghiêm cấm các hành vi chung sống như vợ chồng sau đây:
– Người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
– Chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Đây là hành vi vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng mà pháp luật đã quy định, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, trái thuần phong mỹ tục và các quy chuẩn của đạo đức xã hội.
3. Hệ quả của việc chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Trong tình hình thực thế hiện nay, có rất nhiều cặp đôi trẻ quan hệ với nhau, sống chung với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn. Mặc dù pháp luật đã có những quy định về vấn đề này song nó còn chưa mang tính chất cụ thể hóa, còn chưa đưa ra được hậu quả pháp lý của nó, dẫn đến việc chung sống như vợ chồng diễn ra ngày càng phổ biến hơn. Tuy chưa được pháp luật công nhận nhưng trên thực tế giữa họ đã phát sinh quan hệ hôn nhân, quan hệ tài sản và quan hệ cha mẹ với con cái. Luật Phamlaw sẽ phân tích một số hệ quả của việc chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
Thứ nhất, Có rất nhiều trường hợp, sau khi sống chung và chia tay họ sẽ mất niềm tin vào tình yêu, cuộc sống hôn nhân, làm mất đi danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến nhân tinh thần và cả hai người và những người thân xung quanh.
Thứ hai, Việc sống chung như vợ chồng khiến cho người thứ ba nhầm tưởng họ là vợ chồng hợp pháp và trong việc vợ chồng có thể đại diện cho nhau trong một số các quan hệ mà BLDS và Luật HN&GĐ quy định. Trong khi đó, rõ ràng cả hai bên chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không phát sinh quan hệ đại diện tương đương như vợ, chồng. Với việc sống chung như vợ chồng với người đã có vợ, chồng hoặc cả hai bên cùng có gia đình sẽ làm mất đi quyền lợi của người vợ, chồng hiện tại.
Thứ ba, Việc sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ không phù hợp với truyền thống đạo đức, phong tục tập quán của nước ta thiên về gia đình và lối sống một vợ một chồng.
Thứ tư, Khi không có chế định bảo đảm nhiều về quyền và lợi ích liên quan sẽ dẫn đến nhiều hiện tượng xã hội, những đứa trẻ sinh ra không được chăm sóc tận tình trong vòng tay yêu thương của gia đình sẽ không được phát triển tốt nhất, nhiều tệ nạn như: ma túy,mại dâm, phá thai gây mất ổn định xã hội.
4. Xử lý hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
Đối với trường hợp sống chung với người đang có vợ hoặc có chồng sẽ bị xét vào hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng và bị xử phạt hành chính theo Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
– Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
Thứ hai, Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;
– Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;
– Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;
– Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm: Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình và Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw đối với câu hỏi của bạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì chưa rõ ràng, có thể gây nhầm lẫn hoặc khiến bạn chưa hiểu hết vấn đề, Phamlaw rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.